Phần 1: Về xóm
Ừ, chả biết tại sao anh đến đây….
Chưa già nhưng không còn trẻ nữa,
anh bỗng chán ngán với cái việc đến văn phòng mỗi ngày. Dù chỉ cái việc đến văn
phòng mỗi ngày cũng mang lại cho anh một mớ thu nhập đáng ao ước, mà lại được
làm cái chuyện mà thiên hạ ghét nhưng thiệt lòng ra, ai cũng muốn làm: chảnh
chó.Hahaha. Đó là lời nhận xét của cô bé
mới vào làm, xinh đẹp, trẻ trung, rất tự tin vào nhan sắc và tài năng mới tốt
nghiệp cao đẳng của cô _tặng cho anh nhân dịp anh - cáu kỉnh một cách hơi quá một
tí – vứt trả lại bản báo cáo công nợ mà cô đã nhanh chóng hoàn thành 5 phút trước
khi kết thúc giờ làm ngày thứ sáu với yêu cầu nó phải được chính xác hơn. Của
đáng tội, anh cáu vì cái cổ áo trễ nãi của cô cứ khiến cặp núi đôi mơn mởn vướng
vít trong đầu anh mãi, mà tệ hơn là chúng cũng không che dấu được cái sai sót
rành rành của mấy ạc- cao (account) cỡ bự mà anh nắm trong lòng bàn tay –
hehehe, thì việc của anh mà.
Thường thì mỗi tối thứ sáu anh về
nhà sau khi đã xác định cái le-vồ chảnh chó của mình đã đạt đến một mức độ mà
các nai tơ khó lòng chống đỡ bằng việc chém gió, bằng cách yêu cầu cả đám hoàn
thành các báo cáo vào trưa thứ hai (ặc, cho chúng nó cơ hội làm thêm vào thứ bảy
hay chủ nhật, đến văn phòng máy lạnh êm ru, không có sếp, tha hồ vừa vọc mấy
trò chơi trên facebook và phàn nàn, và rồi hốt hoảng cố gắng hoàn thành bản báo
cáo khi nắng chiều chực tắt), còn các ngày khác thì anh tàn tàn về sau khi cũng
dặn dò một mớ việc, khi nào công việc không có gì gấp rút thì là dặn tụi nó
sáng hôm sau anh đi cà phê với khách hàng nào, chẹp tính ra thì đời vẫn đẹp mà
sao vẫn chán?
Anh thả mình vào cái võng êm ái
ngọt ngào giăng giữa hai thân cây mít nơi vườn sau, tự nhiên thấy cáu kỉnh với
tiếng nhạc xập xình bên quán cà phê. Quán có một cô em cũng hay vận kiểu áo cổ
trễ, quần jean bó sát đi tới đi lui bưng cái này cái nọ cho đám trẻ trâu uống
cà phê thì ít mà nói xấu sếp và chém gió về tài năng của chúng thì nhiều. Nhà
anh rộng lại có cái vườn, lúc trước rảnh rỗi anh bèn ngăn làm một cái quán cà
phê nho nhỏ, đồ đạc toàn bạn bè đứa này tha một ít đứa kia tha một ít, chủ nhật
anh vừa làm chạy bàn, vừa pha chế, vừa thu tiền, vừa thỏa mãn đam mê uống cà
phê xịn vừa có chỗ cho đám bạn già đến than thở.
Được một thời gian, quán cà
phê chỉ mở có mỗi chủ nhật chỉ còn một khách, là thằng cha bác sĩ nhi khoa nhà
kế bên. Giỏi nhưng cũng chán phèo thế sự, tay bác sĩ mở một phòng mạch nhỏ ngay
tại nhà, cung cấp thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai…vv cho con nít quanh
vùng, và vì cái vùng này là vùng ngoại ô xa mút chỉ so với trung tâm phồn hoa
đô hội, nên tay bác sĩ bằng lòng với việc tiền khám và phát thuốc đủ ăn cơm bụi
và uống cà phê ở quán anh, còn anh thì cũng quá bằng lòng với việc hễ chủ nhật
là có khách quen uống cà phê, uống riết nóng quá thì uống trà, uống trà riết hại
thận và hao nước xối toa lét quá thì giảm bớt bằng cách hai thằng chơi đánh cờ…
khà khà… thằng nào thằng nấy cứ sợ bị đối phương ăn mất quân nên suy nghĩ ta bà
tứ sự, đánh một nước mà suy tính xa ngàn dặm, nên thông thường một ván cờ mới hết
ly cà phê, bớt nóng. Nếu ngày hôm đó mà có tin thời sự gì nóng hổi thì có khi
ván cờ tới tận chiều mới tàn
Rồi thì, bàn cà phê chuyển qua cái vườn
sau luôn, cho nó tiện. Quán cà phê vẫn mở nhưng vắng như chùa bà đanh, và chính
thức vắng hẳn khi thằng cha thuế trên phường mon men xuống thăm dò, coi bộ định
thu thuế. Bận đồ như người thường, thằng cha vô kêu cà phê mà lúc đó tay bác sĩ
đang nhăm nhe định gánh hai con ngựa của anh, chẳng thèm nhìn lên anh hỏi “ biết
pha cà phê hem, biết thì tự pha, tự uống, ngồi coi khỏi tính tiền”. Tay thuế cắc
cớ hỏi “không biết thì sao?” hehehe không hẹn mà cả anh và tay bác sĩ đều dòm
lên, và dòm cho đến khi kẻ đi kiếm tiền cho ngân sách nhà nước ngán ngẩm khoát
tay: “thôi khỏi, mở quán có đăng ký chưa ông nội?” Anh thở phù:” có mẹ gì đâu
mà đăng ký, bán không lấy tiền lấy chó gì nộp thuế?”. “Thôi, ông đóng dùm cái
thuế môn bài đi, mỗi năm có một triệu thôi.” Cha bác sĩ cười khà khà “ Chừng
nào ông uống cà phê ở đây đủ một triệu đóng luôn”. “Không đóng thì tui tháo biển
hiệu”.“Ờ, tháo dùm đi”.
Bây giờ lâu lâu cha thuế vụ cũng
ghé xuống uống cà phê miễn phí, có khá hơn là đã biết tự pha cà phê và không
đòi tháo biển hiệu nữa, nhưng của đáng tội là lại nhìn con Bé hơi nhiều, chả biết
chơi cờ quái gì và hay hỏi những câu đâm xuồng bể.
No comments:
Post a Comment