Friday 10 January 2014

LOANH QUANH TRONG XÓM (3)

Phần 3: Bo


Má của thằng-ỉa-không-được phì cười “Nó bị tiêu chảy”.


Thằng-má-nó-còn-chạy hỏi tiếp “Ỉa ra nước hả?”  Thằng kia coi bộ hơi mắc cỡ, ngúc ngoắc cái đầu “hỏi chi dzạ”. Thằng này bèn không hỏi nữa, quay qua bác sĩ phán luôn một câu “ Đi mua tắc đi”
À ha, nói mới nhớ, má nó đi tới lúc này là gần 2 tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa về.

Cha bác sĩ thì lấy tay rà rà vô môi thằng nhỏ ỉa chảy “sao chị để cho cháu thiếu nước quá vậy” má thằng nhỏ tỉnh queo “dạ nó ỉa chảy mà đâu dám cho uống nước” . Cái vùng này vẫn chưa xa xôi đến nỗi tận cùng thế giới mà chuyện y tế y cúng vẫn còn lạc hậu như hồi đầu thế kỷ. Vừa cằn nhằn giải thích là tại sao phải cho thằng nhóc uống nhiều nước, ăn uống tẩm bổ vừa lục tìm trong cái túi càn khôn, cha bác sĩ thở dài “ không có gói oresol nào ở đây ráo trọi”.

Má thằng nhỏ lo lắng thấy rõ :”vậy là sao bác sĩ”.

Quả, dân trong vùng này trước giờ hay đi ông bác sĩ Thoại, là ông bác sĩ lâu năm nhất xứ, trị đủ bá bịnh từ con nít tới người già, ho cảm sổ mũi tới lao gà lao vịt. Vậy mà chưa ai nghe nói ông bác sĩ Thoại không có thuốc bao giờ. Giàu giàu một chút ông cho thuốc vài ba chục bạc, còn nghèo nghèo có khi toa thuốc chục ngàn cũng có, nhưng chưa bao giờ có cái cảnh đi bác sĩ về mà không có thuốc, mà không có mấy cái bịch nilon đựng vài viên xanh xanh đỏ đỏ, cột bằng cọng thun nhỏ đỏ đỏ xanh xanh. 

Má thằng nhỏ đã xệ cái miệng, chừng như sợ ông bác sĩ mới này – mà nghe đồn “ở bển về” – không cho thuốc vì chị nghèo, run run giọng “thuốc gì cũng được bác sĩ, nó đi lỏng qua nay rồi mà hông chịu ăn ”.

“Sao chị không cho con tới sớm hơn?” “ Dạ, tưởng ba bốn ngày khỏi chứ không có gì”.

“Thôi, chị về lấy một muỗng muối tám muỗng đường pha vô một lít nước cho cháu uống, muỗng cà phê nha, uống hết một lít pha lít nữa, thêm mấy trái chanh càng tốt. Cho ăn uống tẩm bổ vô nữa. Mai quay lại đây”

“Dạ bác sĩ có thuốc hông”?

“Má ơi, con bịnh mà má làm biếng quá vậy?”

“Dạ hổng phải, mà bịnh hổng uống thuốc chỉ uống nước làm sao mà khỏi?”

Hehehe, cái thằng đi “học ở bển về” thua đẹp một má nhà quê còn không phân biệt được nước lã với nước đường. Có thể thấy tóc nó dựng đứng lên còn cái giọng “ở bển” thì bực hết mức luôn “ ỉa chảy thì phải trị như vậy, ỉa chảy mà cũng uống thuốc nữa, con nít uống thuốc nhiều quá đâu có tốt?”

Má thằng nhỏ ngáo ra, miệng chỉ còn biết lập bập “dạ…dạ”, nhưng mắt thì đã kiên quyết cái kiểu “em không tin bác sĩ” rồi, may quá thằng-nhỏ-má-nó-còn-chạy cứu một phen - nãy giờ nó cứ đứng xớ rớ loanh quanh dòm hai người lớn đấu khẩu nhau, thấy coi bộ không ai ăn thua, nó bèn nắm lấy tay ỉa-không-được, phán đẹp: ”Ở đây uống tắc đi, ông kia có tắc với mật ong, ngon lắm”
Thằng chó con, sao nó gọi là “ông kia” chứ không gọi bác sĩ, ông kia lấm lem củi lửa chưng chanh với mật ong cho nó, còn cha bác sĩ thứ thiệt chỉ có rờ bụng rờ mõm rồi ngồi phán mấy câu lẩm cẩm tới má thằng kia còn không tin… Tổ cha bọn nhóc thời nay chúng nó khôn như rận…

Vậy mà ỉa-không-được nghe cái rụp, nó tuột xuống đất cái rẹt, quay qua má nó nói xanh rờn :” bà ngoại đi bán đi, bo ở đây uống tắc với bác sĩ”

Ẹc…

Tay bác sĩ dòm “bà ngoại”, chừng bốn mấy là cao mà có thằng cháu bự chảng, hết hồn hỏi “Bà năm nay nhiêu tuổi” “Dạ em mới bốn mươi hà bác sĩ, thằng này là cháu ngoại đầu, má nó đi làm công nhân tối mới về…” (hehehe) … rồi bà ngoại gãi gãi cái đầu tóc lưa thưa có cái búi củ hành bé xíu, lúng búng :” còn giỏ xôi bán chưa xong nữa bác sĩ, bị vì thằng này nó bịnh dữ quá… nó cứ làm rẹt rẹt quài, đem nó theo hổng ai dám mua xôi”

Không thèm dòm “ông kia” – tức là ông chủ nhà – một cái nào, bác sĩ khoát tay :” Để nó ở đây đi, bán hết nhớ đón nó về sớm đó”
Sau cú dạ nhẹ như mây bay, bà ngoại quay qua dí trán thằng cháu, nói đãi bôi một câu “ Mày không được phá quá nghe chưa, phá quá bác sĩ đuổi mày đi đó” - ỉa-không-được cũng chẳng thèm để ý, mắt nó đang dán vô mấy quân cờ tướng rơi vãi dưới đất mà thằng-má-nó-còn-chạy đang chổng đít lụm lên, nó cũng chổng đít lụm lên một quân, chĩa lên cho cha bác sĩ xem, nói “ngựa”.

Phần 1
Phần 2 
Phần 4 
Phần 5 
Phần 6 
Phần 7

No comments:

Post a Comment